Series 360° Nơi Này Hay Cực – Dẫn dắt cuộc cách mạng XR bằng hướng đi bài bản

Thông tin chiến dịch
Khách hàng:
TV360
Tên chiến dịch:
Tech Showcase

TV show 360° tích hợp nội dung XR – “đại dương xanh” cho ngành công nghiệp du lịch, giải trí và câu chuyện từ những người tiên phong. 

Từ câu chuyện của TV Show 360 duy nhất tại Việt Nam

Tháng 02/2024, lần đầu tiên một TV show 360 Make-in-Vietnam tự hào “chào sân” tại Hội nghị Di động lớn nhất thế giới (Mobile World Congress – MWC). Một hiện tượng chưa từng có suốt 7 năm đại diện Việt Nam tham gia sự kiện này: Quan khách quốc tế xếp hàng để trải nghiệm sống như người địa phương, và du hành qua những miền danh thắng – văn hoá – lịch sử Hội An bằng lăng kính công nghệ. 

Vượt mọi hình dung về chương trình truyền hình thông thường, TV show “Nơi Này Hay Cực” ứng dụng công nghệ video 360 cho phép người xem nhập vai khám phá điểm đến, và toàn quyền lựa chọn góc nhìn để thưởng thức cảnh đẹp không giới hạn khắp 360 độ. Ấn tượng hơn, mùa show đầu còn mang đậm bản sắc Việt nhờ tích hợp chuỗi VR Game như vẽ đèn lồng và chế biến cao lầu xứ Quảng trên kính thực tế ảo.

TV Show 360 được cộng đồng quốc tế đón nhận tại MWC 2024.

Thành công của series “Nơi Này Hay Cực” đánh dấu sự hợp tác giữa ADT – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Marketing, Công nghệ tương tácTV360 – nền tảng truyền hình OTT thuộc Viettel. 30 ngày “chinh chiến” sản xuất show là một hành trình đầy thử thách và chưa có tiền lệ của toàn bộ ekip. 

Thách thức đầu tiên đến từ chính format mới lạ của chương trình. Không đơn thuần là video 360, “Nơi Này Hay Cực” được định vị là một TV Show 360° bài bản, chuyên nghiệp – đòi hỏi kịch bản sâu, câu chuyện đắt cùng trải nghiệm giá trị. Nhiều tên tuổi lớn như biên kịch Đinh Đức Hoàng – cây viết “tìm mỏ vàng trong những câu chuyện” với hơn 15 năm trong ngành báo chí, xuất bản sách, chuyển thể phim, hay đạo diễn Lê Nhâm Quý – DJI Creator cựu thành viên của Insta360 là bảo chứng cho chất lượng của “Nơi Này Hay Cực”. Khước từ nội dung đại trà, mỗi tập phim đều hội đủ nét chân thực của truyền hình thực tế, góc máy đẹp của điện ảnh, tính tương tác của công nghệ cùng sự am hiểu về đời sống Việt Nam để khoác diện mạo mới cho những địa danh quen thuộc. 

Trở ngại tiếp theo nằm ở cách vận hành thiết bị ghi hình. Công nghệ video 360 trên thị trường tuy không mới; song để phim 360 đạt tiêu chuẩn 8K, đội ngũ sản xuất bắt buộc đưa ra quyết định mạo hiểm: gắn trực tiếp camera 360 kích thước lớn với 8 ống kính, trọng lượng 17kg vào flycam. Điều này dẫn tới rủi ro khó tránh như video rung lắc, mờ; và quá trình xử lý hậu kỳ chống rung, khớp cảnh từ 8 camera theo đó phức tạp gấp nhiều lần. Nỗ lực dung hòa giữa yếu tố công nghệ và thẩm mỹ, điện ảnh đã đánh đổi bằng nhiều đêm trắng.

Insta360 Titan 11K Cinematic 360/VR Camera được treo cố định vào flycam.

Công đoạn tổ chức và setup bối cảnh tiếp tục đặt ra bài toán mới cho đoàn làm phim. Nếu video 2D cho phép người quay căn góc máy dễ dàng, thì video 360 luôn thu lại toàn cảnh, đồng nghĩa với việc không gian cần được tinh chỉnh tối đa ngay tại chỗ. Đáng chú ý, TV show 360° sử dụng kỹ thuật quay one-shot với một máy quay di chuyển liên tục quanh diễn viên để ghi lại câu chuyện. Sự hạn chế về hiệu ứng chuyển cảnh gia tăng áp lực sáng tạo lên khâu xây kịch bản và quay phim, yêu cầu diễn viên, máy quay, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ phối hợp hoàn hảo cho thước phim mượt mà trong mọi điều kiện. Với rất ít sự hỗ trợ từ kỹ xảo, hiếm TV Show nào có khả năng chinh phục đủ tiêu chí thật nhất và đẹp nhất như “Nơi Này Hay Cực”.

Một phân cảnh one-shot tại Làng gốm Thanh Hà – Hội An.

Đặc biệt, lần đầu tiên nội dung và công nghệ XR (thực tế mở rộng) được ADT toàn trình phát triển, tích hợp thành công lên nền tảng TV360 – cho phép người dùng thưởng thức show trên đa nền tảng Smartphone, Smart TV, Tablet, PC và kính VR. Đây cũng được xem như quá trình “cân não” bậc nhất trong giai đoạn sản xuất. Bởi đặc thù của nội dung XR (VR Game) là không thể chạy trực tiếp trên kính Meta Quest mà cần phần mềm chuyên dụng Unreal Engine (UE); song nhược điểm của UE là khiến video 360 giảm chất lượng nghiêm trọng. Không thỏa hiệp với những giới hạn của công nghệ, đội ngũ kỹ thuật ADT đã nghiên cứu cách làm mới – đó là tích hợp phần xem video 360 mặc định của Meta Quest vào môi trường UE, đảm bảo chất lượng trải nghiệm ở mức độ cao nhất.

VR Game vẽ đèn lồng và chế biến cao lầu được tích hợp trong TV show 360

Tới tầm nhìn của những người tiên phong 

Trước ngày khởi quay “Nơi Này Hay Cực”, đội ngũ ADT đã trải qua 1 năm ròng rã “nếm mật nằm gai”: từ ấp ủ ý tưởng, nghiên cứu sản phẩm, tìm kiếm ekip phù hợp, chứng minh hiệu quả tới educate người dùng. Dưới góc độ chiến lược, đây còn là hành trình gần 10 năm ADT đặt nền móng, bền bỉ theo đuổi, tích lũy về chất và lượng trong địa hạt Immersive Marketing tiềm năng. 

Thật vậy, nội dung video 360 và XR đã và đang được các doanh nghiệp quốc tế chọn làm mũi nhọn phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây. Hàn Quốc – thị trường giải trí số 1 thế giới đã phát triển ứng dụng U+, nơi cộng đồng fan tương tác cùng người nổi tiếng qua góc nhìn 360°, kèm thư viện 35,000 video VR thu hút 2 triệu người dùng mỗi tháng. Singtel – nhà mạng lớn nhất Singapore hợp tác cùng nền tảng MelodyVR cung cấp các immersive show (show nhập vai) với công nghệ quay 360 và trải nghiệm VR độc đáo. 

Nhóm nội dung Giải trí và Du lịch trải nghiệm cũng chiếm vị trí đầu bảng trong các lĩnh vực AR/VR được quan tâm nhất hiện nay (theo báo cáo “Thị trường thực tế tăng cường và thực tế ảo toàn cầu 2020 – 2024” từ Business Wire). Trong đó, nhóm Video giải trí dự báo sẽ đạt giá trị 79 triệu đô vào năm 2025 (dữ liệu nghiên cứu từ Goldman Sachs). Cơ hội đang rộng mở cho những doanh nghiệp dám thử nghiệm cách làm mới, tìm ra lối đi ngách khi ngành công nghiệp du lịch, giải trí truyền thống đã tới điểm bão hòa. 

Quả thực chiến lược tiên phong, tư duy sáng tạo và cách làm bài bản của những người đứng sau “Nơi Này Hay Cực” nay đã gặt hái trái ngọt. Việc TV Show 360° chính thức được phát sóng trên nền tảng truyền hình OTT TV360 của Viettel và lập tức thu hút sự quan tâm từ cộng đồng chuyên gia công nghệ quốc tế đang khai mở tiềm năng bất tận cho chính dự án, cũng như thị trường nội dung XR chuyên nghiệp tại Việt Nam. 

Có thể thấy, với sự đầu tư và kết nối hoàn chỉnh giữa công nghệ tương tác – điện ảnh – văn hoá – giải trí, TV show “Nơi Này Hay Cực” đang rút ngắn mọi khoảng cách, tiên phong mở hướng phát triển nhân văn và bền vững cho du lịch Việt. Một cuộc cách mạng cho quảng bá du lịch, một kỷ nguyên mới cho nền tảng nội dung và truyền hình XR chính thức được xác lập từ đây!

Khám phá 05 tập phim thuộc series “Nơi này hay cực” tại đây:

Tập 1 | Tập 2 | Tập 3 | Tập 4 | Tập 5

Share this post

Các chiến dịch khác